Giới thiệu sách: Điếc mũi (Sáu Nghệ)


Tiến sĩ ngành Sử học với hơn 40 kinh nghiệm biên tập sách về các lĩnh vực kinh tế- chính trị- văn hoá- xã hội, tác giả của nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín tại Việt Nam.
Sep 12, 2020


Giới thiệu sách: Điếc mũi (tiểu thuyết)
(Tác giả: Sáu Nghệ; Nxb. Hội Nhà văn)

Tác giả Sáu Nghệ, tên thật Phạm Duy Tương, sinh tại Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Tháng 3/1975 vào bộ đội đến tháng 6/1989 xuất ngũ, về sinh sống tại Cần Thơ. Từ đó làm nghề viết báo, đến tháng 4/2016 về hưu ở báo Tiền Phong. Hiện tác giả làm đại diện tại đồng bằng sông Cửu Long cho một số tạp chí. Tác giả đã có một số tác phẩm: Gió chuyển mùa (tập thơ); Lặng lẽ bên tôi (tập truyện ngắn); Sương khói (tập thơ); Đồng bằng Bồi lở (Bút ký – phóng sự).

Theo tác giả, 12 năm trước, cuốn tiểu thuyết này hoàn thành bản thảo. Tháng 4/2004, tác giả viết truyện ngắn “Điếc Mũi” đăng báo, sau đó triển khai thành tiểu thuyết và sử dụng luôn truyện ngắn 3611 chữ để mở đầu. Cũng theo tác giả, “Điếc mũi” không có “nguyên mẫu” nào cả, “còn hình tượng văn chương đương nhiên có gốc rễ hiện thực, hiện thực chứng kiến và cảm nhận, hiện thực trần trụi và khơi gợi, hiện thực suy xét và mộng mơ, hiện thực trôi qua và ló dạng...điếc mũi có thể đã hết ở nơi này song lại trầm trọng hơn ở nơi khác, như một chứng nan y mà khoa học đang bất lực, nó còn mang khuôn mặt vĩnh cửu cùng cuộc sống. Có những số phận gây ra bi kịch, lại có những bi kịch lớn hơn số phận một con người...”

“Điếc mũi” bắt đầu từ nhân vật Sần – một anh bảo vệ kiêm chạy việc vặt ở trung tâm văn hóa huyện, trong một lần được đón Chủ tịch huyện đi công tác xa về, khi mọi người bê chậu hoa cảnh của Chủ tịch huyện có một con chuột chết thối rữa ở trong đều phải “nhăn mặt, khịt mũi”, thì Sần – do bị bệnh “Điếc mũi” nên khi được mọi người đùn đẩy bê chậu hoa, Sần đã thản nhiên ôm nó vào lòng và còn nịnh khéo ông Chủ tịch huyện bằng một câu nói giữa đám đông người: “ hoa của Chủ tịch bón phân gì mà thơm quá”...Chính từ hành động “xuất thần” này của Sần đã làm ông Chủ tịch huyện vô cùng cảm động và thế là con đường thăng tiến của Sần đã được mở ra. Ngay lập tức, Sần đã được đề bạt làm Trưởng ban quản lý các công trình xây dựng cơ bản của huyện. Mặc dù văn hóa chưa hết cấp hai, đi bộ đội có học bổ túc văn hóa để tốt nghiệp cấp hai và không hề biết gì về đường xá, cầu cống, nhà cửa, v.v., nhưng Sần đã trở thành người làm thầy, làm chủ, cấp trên, điều khiển, điều hành các công nhân kỹ thuật, kỹ sư và cả tiến sĩ... Khi có quyền lực trong tay, chỉ trong một thời gian ngắn, Sần đã trở thành người giàu có và thế lực nổi tiếng trong vùng... Cũng từ đây, sự tha hóa, biến chất của một con người được thăng tiến chỉ bằng sự bợ đỡ, mua bán, đổi chác...mà không trải qua quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu...đã bộc lộ rõ. Được các đàn anh có quyền lực, đi lên cũng bằng con đường mua bán, đổi chác nâng đỡ, hướng dẫn đường đi nước bước, được các đệ tử cùng “nhóm lợi ích” bày mưu tính kế, Sần cùng với lũ đàn em đã tìm mọi cách để rút ruột các công trình xây dựng của huyện, lập ra nhiều dự án để chiếm đoạt đất công và đất của những người dân lành, sau đó đem chia nhau... Có quyền lực, có tiền... Sần đã lao vào cuộc sống ăn chơi trụy lạc cùng với đám quan chức biến chất trong huyện và tỉnh. Thậm chí, gái bao không còn mang lại cảm hứng cho Sần, trái lại, Sần lúc nào cũng nhớ nhung, luyến tiếc những lúc được ái ân, vụng trộm với vợ Chủ tịch huyện – chính là người đã từng cưu mang, nâng đỡ Sần trong những bước đi đầu tiên... Cuối cùng, sau những năm tháng “thăng hoa”, bi kịch lại đến với Sần. Vợ chồng Sần có nhiều tiền của, nhưng lại không có con. Sần lại sớm mắc bệnh liệt dương. Vợ Sấn cùng quẫn trong tư tưởng đã tìm con đường tự vẫn. Sần còn bị quy kết tội hiếp dâm và giết người. Suýt nữa Sần bị kết án tử hình. Sau khi được minh oan, Sần đã phần nào nhận ra được khả năng và con người thật của mình. Sần muốn từ bỏ chốn “quan trường” để trở về với công việc phù hợp với năng lực thực có của mình...

Thông qua con đường thăng tiến và cách thức làm ăn của Sần và phe nhóm, tác giả cuốn sách đã vạch trần không ít các quan chức “không có tài, có đức” nhưng đã chiếm được “ngôi cao, có nhiều bổng lộc’, các thủ đoạn làm ăn bất chính, “ăn cắp của công, ăn cướp trắng trợn của dân” của một số quan chức thoái hóa, biến chất từ cơ sở... cho đến Trung ương. Thông qua tác phẩm, tác giả phản ánh những tệ nạn, mặt trái đã và đang tồn tại trong xã hội, đó là tình trạng lạm dụng chức quyền, chạy chức, chạy quyền, chạy tội, tệ nạn quan liêu, tham ô, tham nhũng tràn lan, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ và đảng viên, nhất là đảng viên có chức, có quyền. Đảng ta không chỉ coi tình trạng trên là nguy cơ, mà còn coi đó chính là “giặc nội xâm” cần phải nhanh chóng loại bỏ để lấy lại lòng tin trong nhân dân, để bảo toàn chế độ và an ninh quốc gia...

Ghi chú: Ảnh mang tính chất minh hoạ (Nguồn: Pixabay)


Bình luận