Giới thiệu sách: Đội Hoàng Sa trong lịch sử xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam (Trần Nam Tiến)


Tiến sĩ ngành Sử học với hơn 40 kinh nghiệm biên tập sách về các lĩnh vực kinh tế- chính trị- văn hoá- xã hội, tác giả của nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín tại Việt Nam.
Sep 12, 2020


Giới thiệu sách: Đội Hoàng Sa trong lịch sử xác lập và
bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam
(Tác giả: Trần Nam Tiến; Nxb. Văn hóa – Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh)

Tác giả: PGS. TS Trần Nam Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo. Giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. Các tác phẩm đã xuất bản: Ngoại giao giữa Việt Nam và các nước phương Tây dưới triều Nguyễn (1802 – 1858); Lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại (1945 – 2000); Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ: Thực trạng và triển vọng; Sự hiện diện của các cường quốc ở Biển Đông từ góc nhìn quan hệ quốc tế; Góc nhìn cận cảnh: Thế giới và Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài, v.v..

Trung Quốc sau khi đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, họ đã tìm mọi cách để khẳng định chủ quyền của họ đối với hai quần đảo này, nhưng thông qua các tài liệu hiện có của Trung Quốc cho thấy các bằng chứng họ đưa ra chưa đủ sức thuyết phục dư luận quốc tế. Theo sự phân tích của Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia: “Trung Quốc cho rằng, họ có bằng chứng không thể chối cãi về việc Hoàng Sa thuộc chủ quyền nước này. Tuy nhiên, những tài liệu về Đội Hoàng Sa cho thấy, chủ quyền về Hoàng Sa mà Trung Quốc từng tuyên bố là vấn đề còn tranh cãi. Trong khi đó, quan điểm của Việt Nam có cơ sở vững chắc. Đội Hoàng Sa có chức năng kinh tế, quốc phòng. Vào thời điểm đó, cách thức để duy trì việc quản lý chủ quyền là thông qua các cuộc thăm viếng thường xuyên để quản lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ đảo. Và Đội Hoàng Sa của Việt nam đã thực hiện các chức năng này”.

Để minh chứng cho nhận định trên, tác giả cuốn sách nêu rõ, qua nghiên cứu các tài liệu hiện có cho thấy, cho đến trước năm 1909, “Trung Quốc cũng như các nước khác ở Đông Nam Á không có bằng chứng nào chứng minh họ quan tâm đến việc xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Trái lại, các nhà nước phong kiến Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, luôn quan tâm đến vai trò, vị trí quan trọng của biển đảo trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt là đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trên cơ sở nghiên cứu, khai thác các tư liệu lịch sử, tác giả cuốn sách đã cố gắng làm rõ vai trò, nhiệm vụ của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải từ khi thành lập không chỉ thuần túy làm kinh tế, khai thác tài nguyên... mà còn làm các công việc phục vụ cho chức năng quản lý nhà nước... Thông qua sự ra đời và hoạt động của đội Hoàng Sa, tác giả đã khẳng định bằng chứng không thể tranh cãi về quá trình xác lập, quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại hai quàn đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài Lời nói đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, cuốn sách gồm ba chương:

+ Chương 1: Vài nét về sự ra đời đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Trong chương này, tác giả tập trung trình bày: Quá trình xác lập chủ quyền trên các vùng biển đảo ở Biển Đông của Việt Nam qua các thời kỳ; Giới thiệu khái quát về huyện đảo Lý Sơn – Quê hương của hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải; Thời điểm ra đời đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải.

+ Chương 2: Tổ chức và hoạt động của đội Hoàng Sa từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX.
Trong chương này, tác giả trình bày: Tổ chức của đội Hoàng Sa; Nhiệm vụ và quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX.

+ Chương 3: Đội Hoàng Sa trong tâm thức dân tộc hiện nay.

Trong chương này tác giả trình bày một số di tích gắn với lịch sử của đội Hoàng Sa; Lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa. Cuốn sách được viết ngắn gọn, súc tích, luận giải chặt chẽ, có tính thuyết phục cao.
Cuốn sách cung cấp cho đọc giả nguồn tài liệu khá phong phú và tin cậy.

Ghi chú: Ảnh mang tính chất minh hoạ (Nguồn: Pixabay)


Bình luận